Bốn bức tường gạch cao ngứt, cắm đầy những mảnh thủy tinh, bao bọc một khu dương cơ độ sáu, bảy sào, ở trong: nhà ngói năm, sáu tòa, vựa thóc chín, mười cái, mít mười hai gốc, cau vài chục cây, cụ Bá thôn Đoài chỉ làm nghề cho vay nặng lãi, đã dựng nên cơ nghiệp hùng vĩ như vậy. Đối với trong vùng, cụ gần thành một vị bá chủ, chuyên dùng chủ nghĩa “kiêm tính”. Hàng xã, hàng tổng, lắm kẻ mất nhà mất ruộng về cụ. Khi đất mà cụ đương ở, cũng của mấy người láng giềng vay nợ cấm cố cho cụ, quá hạn không chuộc bị cụ cắm lấy. Bây giờ cụ đứng vào bực giàu có thứ nhất, thứ nhì trong tổng, ruộng ngoài năm, sáu chục mẫu, tiền trong tráp lúc nào cũng có độ vài, ba trăm. Vì thế mà cụ cứ việc thở ra khói, nói ra lửa, dân làng không ai dám trêu. Với cụ, vợ chồng đĩ Dậu không có họ hàng thân thích gì cả. Nhưng vì cày thuê, cấy mướn cho cụ đã nhiều, nên biết nhà, biết người. Sau khi cậu lệ và tên người nhà lý trưởng đã dẫn anh Dậu ra đình, chị Dậu trao con bé con cho cái Tý, vớ cái nón toan đi, thằng Dần khóc nhếch, khóc nhác: - Trưa rồi, từ sáng đến giờ chưa được miếng gì vào bụng, con đói đã vàng cả mắt. U không mua gạo nấu cơm cho chúng con, lại còn đi đâu? Chị Dậu giả điếc, cắp nón đi thẳng ra cổng, tai còn văng vẳng nghe tiếng cái Tý thỏ thẻ: - Hôm nay chả có gạo đâu mà nấu cơm. Em hãy ăn tạm mẩu khoai sống vậy...! * * * Ánh nắng tháng năm rát như lửa chàm vào mặt. Hơi nước dưới đồng bốc lên, nóng như hơi trong chõ xôi. Những con cua chửa chịu không nổi sức nóng của nước trong ruộng, lổm ngổm bò lên nấp dưới khóm cỏ vệ đường. Đoạn đường từ làng Đông sang làng Đoài chỉ độ già bốn cây số. Trong lúc nắng gắt, người ta vẫn coi nó như con đường thiên lý trong bể cát già. Nhưng với chị Dậu thì không mùi gì, vì cái đời chị đã hàng ngày dạn mặt với thần nắng. Nấp bóng dưới cái nón rách, chị cố đảo một mạch, sang đến cổng nhà cụ Bá. Mặt trời đứng bóng. Trâu bò ngoài đồng lũ lượt kéo về. Thập thò ngoài cổng, chị Dậu nâng vạt áo nâu rách lau qua những giọt bồ hôi nhuễ nhoại trên đôi lông mày, mở to hai mắt quáng nắng dòm vào trong cổng. Chẳng thấy người nào đi lại. Đánh bạo chị xăm xăm bước vào trong sân. Một đàn chó dữ như đàn hùm ở đâu nhất tề xồ ra nhảy chồm tận mặt người lạ. Hoảng quá, chị Dậu ngồi phịch xuống gạch, vừa lấy cái nón đuổi những con ác thú vừa kêu: - Anh bếp có nhà không! Làm phúc đánh chó cho tôi với! Trong nhà có tiếng the thé quát ra: - Làm gì mà nheo nhéo thế? Nhà ai không chó? Sao không mang gậy? Thằng bếp còn bận việc khác, nó không hầu được...! Rồi lại im. Thì ra ông Bá bà Bá đang ăn cơm ở nhà khách. Nghe tiếng chị này léo xéo, bà Bá bực mình sủa mấy câu cho đã giận, chứ bà không buồn đứng dậy. Vì đứng dậy sợ mất giá trị của bà. Đàn chó vẫn vây kín xung quanh chị Dậu. Hình như chúng nó cố làm hết phận sự với chủ, con nào con ấy lè lưỡi, nhăn răng, chạy lồng, chạy lộn, chỉ chực vồ lấy hai chân chị này. Cái nón dùng làm khí giới đã bị đàn vật cắn rách tan tành, chị Dậu luống cuống không biết làm thế nào. May đâu có mụ thợ cấy vừa ở trong bếp vác gậy chạy lên, xua đuổi đội quân giữ nhà của cụ Bá mỗi con chạy mỗi nơi. Chị Dậu lóp ngóp đứng lên, bước vào trong thềm nhà khách, chắp tay vái chào: - Thưa lạy hai cụ. Ông Bá đặt bát cơm xuống mâm, vừa nhai nhồm nhoàm vừa hỏi: - Bán đứa con gái phải không? - Thưa vâng! Bà Bá đưa mắt cho chồng. Ông Bá hiểu ý, nói tiếp: - Sáng ngày chồng chị sang đây, nói rằng con bé đã mười một tuổi, tôi có trả cho hai đồng. Là vì anh ấy kêu van nài mãi, nể quá thì phải mua, chứ nhà tôi có thiếu gì đứa hầu hạ... Nhưng bây giờ nghe nói nó mới lên chín, vậy tôi chiết đi một nửa, trả cho một đồng. Bằng lòng bán thì về đưa con sang đây... Chị Dậu ngạc nhiên: - Thưa cụ, quả thật cháu mười một tuổi, nó đẻ năm Tý, chúng con không dám nói dối cụ... Bà Bá nói xen: - Nhân có mợ Hai bên kia vừa mới ở nhà, tôi cũng mua để lấy người hầu hạ nước nôi cho mợ ấy mà thôi, chứ cái đứa mới lên chín tuổi, phỏng đã làm được việc gì? Vả lại nó sang ở đây, cơm no áo lành, lại không sướng bằng mười ở nhà với chị hay sao? Đáng lẽ biếu không thì phải, trả một đồng cũng quá lạm rồi, chị không nên nài mẫn gì nữa. THÔN DÂN Tương lai số 1 - 27.9.1936